Quản trị gián đoạn hàng không- Ứng dụng hệ thống đa tác nhân tại Trung tâm kiểm soát khai thác hàng không AOCC
Quản trị gián đoạn hàng không- Ứng dụng hệ thống đa tác nhân tại Trung tâm kiểm soát khai thác hàng không AOCC
Sự hài lòng của khách hàng với các hãng hàng không và hoạt động của sân bay bị ảnh hưởng đáng kể bởi số lượng chuyến bay bị hoãn. Là một hành khách, một tiêu chuẩn quan trọng để đánh giá các lựa chọn du lịch, ví dụ như về sân bay, hãng hàng không hoặc thậm chí các phương thức vận chuyển (tàu hỏa so với máy bay) là sự đúng giờ của mỗi lựa chọn. Đặc biệt, sự chậm trễ chuyến bay làm giảm nghiêm trọng sự hài lòng của khách hàng và có thể dẫn đến việc khách hàng chọn một sân bay hoặc hãng hàng không khác về lâu dài. Mô hình MAS cho phép mô hình hóa các hệ thống bao gồm các tác nhân phần mềm, đại diện cho các vai trò hoặc chức năng cũng như môi trường xung quanh, bao gồm các tương tác giữa các tác nhân. Mô hình này đã đảm nhận tầm quan trọng ngày càng tăng không chỉ với tư cách là một mô hình nghiên cứu mà còn là một mô hình thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.
1.1 Quản trị gián đoạn
Một biến cố xảy ra khi có một yếu tố bên trong và bên ngoài làm cho hệ thống hoạt động chệch hướng đáng kể so với kế hoạch ban đầu và ảnh hưởng nghiêm trọng về hiệu suất hoạt động. Những thay đổi đối với kế hoạch có thể bắt nguồn từ hàng loạt các yếu tố được phân loại như sau:
- Những thay đổi của môi trường: Môi trường mà hệ thống đang hoạt động có thay đổi một cách bất ngờ. Một sự thay đổi như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu suất của hệ thống. Ví dụ, bão tuyết có thể ảnh hưởng đến các phương tiện giao thông trên không và trên bộ; bão sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến hậu cần, đặc biệt là gần các khu vực bến cảng.
- Các sự kiện không thể đoán trước: Các sự kiện tự phát không lường trước được trong giai đoạn lập kế hoạch có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thống. Ví dụ như tấn công khủng bố, công đoàn đình công, mất điện, hệ thống máy tính ngưng trệ v.v.
- Thay đổi trong các tham số hệ thống: Các tham số đặc trưng cho hệ thống có thể có sự thay đổi không mong muốn. Ví dụ, giá thị trường trong chuỗi cung ứng có thể thay đổi đối với nguyên liệu thô; thời gian giao hàng được thay đổi từ các nhà cung cấp.
- Thay đổi về nguồn lực khả dụng: Các tài nguyên được sử dụng trong hệ thống có thể không khả dụng do mất mát, chất lượng kém và bệnh tật. Những ví dụ bao gồm sự cố máy móc, sự từ chức của nhân sự chủ chốt, v.v.
- Những hạn chế mới: Những hạn chế mới được thêm vào hệ thống có thể làm cho bản gốc của kế hoạch kém hơn hoặc thậm chí không khả thi. Ví dụ như luật hay qui định mới của chính phủ, thỏa thuận công đoàn mới, quy định mới của ngành, v.v.
- Sự không chắc chắn về hiệu suất hoạt động của hệ thống: Do sự hiểu biết hạn chế về hệ thống, hiệu suất chúng ta đánh giá có thể thấp dưới mức mong đợi của chúng ta. Ví dụ, thời gian để hoàn thành một nhiệm vụ trong một dự án mới có thể khác xa so với ước tính và do đó có thể gây ra sự chậm trễ của toàn bộ dự án.
- Các mối quan tâm mới: Những quan tâm mới không có trong giai đoạn lập kế hoạch phải được xử lý đúng cách và kịp thời, nếu không hệ thống sẽ phải chịu chi phí và thiệt hại. Ví dụ, trong trường hợp có đơn đặt hàng mới của khách hàng hoặc thay đổi ưu tiên của khách hàng nếu hệ thống không phản hồi kịp thời và đúng cách, công ty sẽ bị mất thị phần.
Tóm lại, Khi bắt đầu một chu kỳ kinh doanh, một kế hoạch hoạt động tối ưu hoặc gần tối ưu được thiết lập bằng cách sử dụng các mô hình và giải pháp tối ưu hóa nhất định. Khi một kế hoạch hoạt động như vậy được thực hiện, sự gián đoạn có thể xảy ra theo thời gian gây ra bởi các yếu tố không chắc chắn bên trong và bên ngoài. Do đó, kế hoạch hoạt động ban đầu có thể không còn tối ưu, hoặc thậm chí không khả thi. Do đó, chúng ta cần chủ động sửa đổi kế hoạch ban đầu và tạo ra một kế hoạch mới mà thỏa mãn các ràng buộc và mục tiêu của hệ thống đồng thời giảm thiểu tác động tiêu cực của sự gián đoạn. Quá trình này được gọi là quản trị gián đoạn.
Hoạt động kinh doanh của hãng hàng không bắt đầu bằng việc công bố lịch trình chuyến bay trong một khoảng thời gian cụ thể (thường là sáu tháng). Sau khi công bố lịch bay, giai đoạn quản trị doanh thu được thực hiện. Ở đây, mục tiêu là tối đa hóa doanh thu chuyến bay khi bán vé. Đồng thời, lịch trình của hai tài nguyên quan trọng nhất bắt đầu: máy bay và phi hành đoàn. Về máy bay, bước đầu tiên là phân công đội tàu bay. Ở đây, mục tiêu là chỉ định loại máy bay hoặc đội tàu bay sẽ thực hiện các chuyến bay. Đây là một bước quan trọng vì loại máy bay/đội bay sẽ xác định số lượng ghế cung ứng cho mỗi chuyến bay. Gần đến ngày khai thác, việc phân công một chiếc máy bay cụ thể trong đội tàu bay cho từng chuyến bay được thực hiện. Bước này được gọi là lập lộ trình tàu bay. Sau khi phân công đội tàu bay, có thể bắt đầu lên lịch cho phi hành đoàn. Bước đầu tiên là tạo ghép nối phi hành đoàn.
Mục tiêu là xây dựng các giai đoạn làm nhiệm vụ của phi hành đoàn sao cho đáp ứng tất cả các chuyến bay của hãng hàng không trong một khoảng thời gian nào đó (thường là 1 tháng). Với các ghép nối được tạo ra, có thể bắt đầu bước phân công phi hành đoàn, nghĩa là chỉ định các thành viên phi hành đoàn vào các ghép nối. Kết quả của bước này là một bảng phân công làm các nhiệm vụ của một thành viên phi hành đoàn cụ thể được xuất bản. Cho đến ngày khởi hành chuyến bay, có thể cần phải thay đổi/cập nhật danh sách phi hành đoàn. Bài toán lập lịch trình của hãng hàng không bao gồm tất cả các giai đoạn và các bước trước đó và kết thúc vài giờ hoặc vài ngày (tùy thuộc vào chính sách của hãng hàng không) trước ngày khởi hành. Mục tiêu toàn cục là tối đa hóa lợi nhuận hoạt động của hãng hàng không.
Trong khi các hoạt động khai thác đang theo kế hoạch như vậy, thỉnh thoảng có thể xảy ra gián đoạn do các yếu tố không lường trước bên trong hoặc bên ngoài gây ra. Có những yếu tố không thể kiểm soát như thời tiết, kiểm soát không lưu, an ninh, an toàn, y tế và các yếu tố có thể kiểm soát được như chậm trễ về mặt kỹ thuật, thay thế tàu bay, phi hành đoàn không khả dụng, chậm trễ suất ăn, khách bị từ chối lên tàu…
Chi phí ước tính của sự gián đoạn đối với các hãng hàng không là 8% doanh thu của hãng hàng không, tương đương 60 tỷ đô la trên toàn thế giới. Theo Bộ Giao thông vận tải Hoa kỳ hãng hàng không thiệt hại khoảng 30- 30$/ phút trễ chuyến. Nếu hủy chuyến thì chi phí là $14,800/chuyến, $50,000 hoặc nhiều hơn đối với chuyến bay quốc tế.
Để giải quyết vấn đề này, các công ty hàng không có một bộ phận đặc biệt gọi là Trung tâm kiểm soát khai thác hàng không (AOCC) bao gồm các nhóm chuyên gia chuyên giải quyết các vấn đề liên quan đến máy bay, thành viên phi hành đoàn và hành khách, theo một quy trình được gọi là quản trị gián đoạn.
1.2 Nguyên tắc quản trị gián đoạn
- Tối ưu hóa theo thời gian thực Quản trị gián đoạn cần thực hành theo thời gian thực và thường đòi hỏi một giải pháp nhanh chóng khi xảy ra gián đoạn. Vấn đề lập kế hoạch ban đầu thường là nỗ lực một lần, vì vậy thực tế có thể chấp nhận được nếu tạo ra một kế hoạch hoạt động tối ưu mất hàng chục phút hoặc hàng giờ, hoặc thậm chí lâu hơn. Tuy nhiên, khi xảy ra gián đoạn, điều quan trọng là phải ngay lập tức đưa ra giải pháp cho nhân viên có trách nhiệm. Đối với một hệ thống quy mô lớn, đây không phải lúc nào cũng là một công việc dễ dàng. Do đó, các kỹ thuật tối ưu hóa theo thời gian thực cần được phát triển.
- Chi phí sai lệch: Trong việc xử lý gián đoạn, chúng ta cần phải xác định và định lượng chính xác các chi phí sai lệch và quan tâm đến chúng. Nếu không xem xét chi phí sai lệch, giải pháp phục hồi có thể có quá nhiều thay đổi không mong muốn đối với kế hoạch và có thể khó thể thực hiện các thay đổi do tổ chức, con người, và các vấn đề khác. Tuy nhiên, chi phí sai lệch có thể không được đo lường như một số tiền nào đó. Một trong những vai trò cơ bản của chi phí sai lệch là để buộc kế hoạch sửa đổi phải gần giống nhất với kế hoạch ban đầu. Trong một tổ chức lớn, nhiều hệ thống con đang chạy phụ thuộc lẫn nhau. Sự thay đổi của một hệ thống con sẽ ảnh hưởng đến các hệ thống con khác. Tác động như vậy không phải lúc nào cũng được mô tả bằng các mô hình toán học. Vì vậy, chúng ta nên thực hiện rất cẩn thận nhằm nỗ lực xây dựng sự cân bằng giữa việc khôi phục gần với bản gốc kế hoạch hoạt động với chi phí thấp.
- Ra quyết định đa tiêu chí. Một vấn đề quản trị gián đoạn thường được mô hình hóa như một bài toán ra quyết định hai tiêu chí hoặc đa tiêu chí.
Một mặt, chúng ta có một kế hoạch hoạt động ban đầu đã được tối ưu hóa dựa trên một số tiêu chí. Những tiêu chí như vậy vẫn nên được được tính đến khi chúng ta sắp sửa lại kế hoạch ban đầu bởi vì chúng thường đại diện cho mục tiêu của kế hoạch hoạt động, chẳng hạn như tối đa hóa lợi nhuận. Mặt khác, chi phí sai lệch nên cũng nên được xem xét.
- Trở lại kế hoạch ban đầu: Trong một số trường hợp, bản sửa đổi kế hoạch có thể cần phải hội tụ với kế hoạch ban đầu, đặc biệt là khi kế hoạch ban đầu là một kế hoạch lặp đi lặp lại dài hạn, chẳng hạn như lịch bay hãng hàng không hoặc một chu trình sắp xếp lại cố định theo hợp đồng trong hậu cần. Thông thường, các kế hoạch này được tối ưu hóa cao. Vì vậy khi sai lệch từ các kế hoạch, hệ thống chạy rất tốn kém. Một trong những mục tiêu của quản trị gián đoạn là trở lại kế hoạch ban đầu kịp thời để giảm chi phí và tác động của sự gián đoạn.
- Khung thời gian quản trị gián đoạn: Khi xảy ra sự cố, người ra quyết định có thể chỉ định một thời điểm mà hệ thống nên khôi phục lại hoạt động bình thường. Điều này được gọi là cửa sổ thời gian quản trị gián đoạn. Bằng cách thiết lập cửa sổ thời gian, tác động của sự gián đoạn có thể được ngăn chặn trong một thời gian giới hạn. Cần có sự đánh đổi giữa thời gian phục hồi và chi phí phục hồi. Muốn phục hồi càng sớm, chi phí sẽ có khả năng càng cao.
- Nhiều giải pháp: Trong việc đối phó với một sự gián đoạn, cần tạo ra nhiều giải pháp chất lượng cao khác nhau cho người ra quyết định để xem xét. Điều này rất quan trọng vì một số lý do chẳng hạn như khi quan tâm đến đa tiêu chí, không chỉ cần bao gồm tất cả thông tin trong mô hình tối ưu hóa mà còn những giải pháp gần tối ưu hóa tạo ra theo thời gian thực và sự phối hợp với các các kế hoạch hoạt động khác trong hệ thống.
- Các giải pháp từng phần: Một giải pháp thành phần đề cập đến một giải pháp mà không thỏa mãn tất cả các ràng buộc hiện có. Một giải pháp thành phần không được phép trong các mô hình tối ưu hóa thông thường nhưng là một khái niệm và thực hành quan trọng trong quản trị gián đoạn. Đối mặt với một quyết định theo thời gian thực, kỹ thuật “câu giờ” nhằm tạo ra một giải pháp có thể được thực thi ngay lập tức. Một giải pháp như vậy có thể vi phạm một số ràng buộc ít quan trọng hơn hoặc liên quan đến các khoảng thời gian trong tương lai, nhưng có thể để lại để giải quyết dần dần theo thời gian.
1.3 Trung tâm kiểm soát khai thác hàng không AOCC
Trung tâm kiểm soát hoạt động hàng không (AOCC) bao gồm các nhóm chuyên gia chuyên giải quyết các vấn đề trên dưới sự giám sát của người quản lý kiểm soát khai thác. Mỗi nhóm có một mục tiêu cụ thể đóng góp vào mục tiêu chung và mục tiêu chung là vận hành hãng hàng không với ít vấn đề nhất có thể. Quá trình giải quyết các loại vấn đề này được gọi là Quản trị gián đoạn (Kohl và cộng sự, 2004) hoặc Khôi phục hoạt động khai thác.
Theo (Kohl et al., 2004) và (Castro, 2008), AOCC có các vai trò như sau:
- Điều phối chuyến bay: Chuẩn bị các kế hoạch bay và yêu cầu về điều phái chuyến bay mới cho các cơ quan Kiểm soát không lưu (ATC)
- Kiểm soát về tàu bay: Quản lý tài nguyên máy bay. Đây là vai trò điều phối trung tâm trong kiểm soát khai thác. Trong một tình huống gián đoạn, cố gắng giảm thiểu sự chậm trễ bằng cách thay đổi máy bay và lập lại lộ trình tàu bay hoặc ghép các chuyến bay. Thông thường, họ sử dụng một số hệ thống máy tính để giám sát hoạt động, trong một số trường hợp, có thể bao gồm một số công cụ hỗ trợ quyết định. Phổ biến vẫn là sử dụng kinh nghiệm làm việc (một loại kiến thức ẩn).
- Kiểm soát phi hành đoàn: Quản lý tài nguyên của phi hành đoàn. Giám sát quá trình bắt đầu và kế thúc làm nhiệm vụ của phi hành đoàn, cập nhật và thay đổi bảng phân công phi hành đoàn theo các gián đoạn có thể xuất hiện trong quá trình hoạt động. Nó sử dụng một số loại hệ thống có hoặc không có các công cụ hỗ trợ ra quyết định. Kinh nghiệm vẫn là những công cụ hỗ trợ ra quyết định phổ biến nhất. Sử dụng phi hành đoàn dự bị và hoán đổi thành viên phi hành đoàn từ các chuyến bay khác, là một trong những hành động có thể được sử dụng để giải quyết các vấn đề của phi hành đoàn.
- Dịch vụ bảo dưỡng: Chịu trách nhiệm về các dịch vụ bảo trì ngoài kế hoạch và lập kế hoạch bảo trì ngắn hạn. Những thay đổi về lộ trình máy bay có thể ảnh hưởng đến việc bảo trì ngắn hạn (không thể thực hiện bảo trì tại tất cả các nhà ga).
- Dịch vụ hành khách: Các quyết định của AOCC sẽ có tác động đến hành khách. Trách nhiệm của vai trò này là xem xét và giảm thiểu tác động của các quyết định đối với hành khách, cố gắng giảm thiểu thời gian hành trình của hành khách. Một phần của vai trò này được thực hiện tại các sân bay.
Khi tiến hành khôi phục lịch bay, chúng ta có các giả định sau: Tại một thời điểm bất kỳ trong ngày, nhà quản lý hãng hành không biết được tình trạng của hệ thống: Địa điểm và tính khả dụng của các nguồn lực (máy bay, phi công và tiếp viên), tình trạng của hành khách (khách bị gián đoạn hay không) cũng như đích đến trong hành trình của họ.
Mục tiêu của việc khôi phục là tối thiểu hóa chi phí trễ chuyến và chi phí hủy chuyến, đó là chi phí phát sinh cho đội bay dự bị, chi phí tàu bay thay thế, chi phí bồi thường khách, chi phí cơ hội…
Khi có các biến cố gây ra sự chậm trễ chuyến bay. AOCC có quy trình giám sát các sự kiện và giải quyết vấn đề để giảm thiểu tình trạng chậm trễ chuyến bay với tác động tối thiểu đến hành khách và tốt nhất là giảm thiểu chi phí khai thác. Dưới đây là quy trình quản trị gián đoạn hiện đang được sử dụng tại hầu hết các hãng hàng không. Quá trình này có năm bước:
- Giám sát hoạt động khai thác: Trong bước này, các chuyến bay được giám sát để xem có điều gì không diễn ra theo kế hoạch hay không. Việc giám sát cũng tương tự đối với các thành viên phi hành đoàn, hành khách làm thủ tục lên máy bay, bốc dỡ hàng hóa và hành lý, v.v.
- Hành động: Nếu một sự kiện xảy ra, chẳng hạn như thành viên phi hành đoàn bị chậm trễ hoặc máy bay gặp trục trặc, thì một đánh giá nhanh sẽ được thực hiện để xem liệu có cần hành động hay không. Nếu không, quá trình giám sát vẫn tiếp tục. Nếu một hành động là cần thiết thì chúng taphải giải quyết bài toán gián đoạn.
- Tạo và đánh giá các giải pháp: Cần có tất cả thông tin liên quan đến bài toán mà AOCC cần đưa ra giải pháp và đánh giá giải pháp khả thi. Mặc dù phát một số chi phí liên quan đến quá trình này, nhưng AOCC chủ yếu dựa vào kinh nghiệm của những người kiểm soát và một số quy tắc ngón tay cái (một loại kiến thức ẩn) của riêng AOCC.
- Đưa ra quyết định: Lựa chọn quyết định từ các giải pháp ứng viên.
- Áp dụng Quyết định: Sau khi ra quyết định, giải pháp cuối cùng cần được áp dụng trong môi trường, nghĩa là kế hoạch khai thác cần được cập nhật cho phù hợp.
1.4 Các quyết định khôi phục tại AOCC
Qui trình khôi phục khi có bất thường là theo thứ tự ưu tiên như sau:
Khôi phục tàu bay - Khôi phục phi hành đoàn - Khôi phục hành khách
- Khôi phục tàu bay: Mục tiêu chỉ là tìm ra phương án khả thi sao cho thỏa mãn yêu cầu bảo dưỡng, khi lịch bay bị gián đoạn, bài toán khôi phục tàu bay được đặt ra để xác định thời gian khởi hành và hủy chuyến bay, các lộ trình thay thế ảnh hưởng đến tàu bay. Các lựa chọn khôi phục về tàu bay bao gồm: hoán đổi tàu bay (swapping), chuyển sân tàu bay (repositioning hay ferry tàu bay- đưa máy bay không có khách đến sân bay khác để nó trở nên được khả dụng), chuyển hướng tàu bay (diverting- tàu bay đổi điểm đến khác với kế hoạch lịch bay, liên kết chuyến bay( sử dụng chiếc máy bay đã được phân công (đã có PHD khả dụng, cấp phép ATC, ghế có sẵn) để thực hiện chuyến bay bị gián đoạn, delay chuyến bay (đây là giải pháp mặc định), thuê ướt tàu bay, hủy chuyến bay
Các giải pháp cần thỏa mãn yêu cầu về bảo dưỡng, các giới hạn ở sân bay như giờ đóng cửa và yêu cầu về cân đối đội tàu bay, đặt biệt ở giai đoạn đầu và cuối của thời gian khôi phục. Ở cuối giai đoạn, các loại tàu bay phải ở đúng nơi như trong lịch ban đầu để được khai thác đúng theo kế hoạch.
- Khôi phục phi hành đoàn:
Vấn đề khôi phục phi hành đoàn là xây dựng lịch trình mới cho các phi hành đoàn bị gián đoạn và dự bị để đáp ứng tất cả các chuyến bay với chi phí tối thiểu. Các quyết định khôi phục PHĐ bao gồm:
- Gọi PHĐ dự bị tại sân bay cho PHĐ cho chuyến bay có PHĐ bị gián đoạn
- Gọi PHĐ dự bị ở gần nhất sân bay có chuyến bay gián đoạn về PHĐ
- Hoán đổi PHĐ từ chuyến bay khác: hoán đổi PHĐ chuyến bay có PHĐ bị gián đoạn bởi PHĐ đã phân công cho chuyến bay khác có giờ khởi hành trễ hơn.
- Gọi PHĐ đang rỗi (chưa được phân công hoạt động nào), đang trong ngày nghỉ hoặc gọi PHĐ đang đi nghỉ. Cần có sự đồng ý của thành viên PHĐ đó
- Đề xuất thay thế tàu bay: Nếu gọi PHĐ khả dụng thay cho PHĐ bị gián đoạn nhưng phi công không có chứng chỉ khai thác trên máy bay đó thì có thể thay thế máy bay.
- Tiếp tục chuyến bay không có PHĐ bị gián đoạn; nếu có thể theo luật, chuyến bay tiếp tục mà không cần có PHĐ bị gián đoạn.
- Khôi phục hành khách:
Tối thiểu hóa số lượng hành khách bị gián đoạn trong khi khôi phục lại lịch bay là mục tiêu nhắm đến. Khi khôi phục tàu bay có thể gây ra các gián đoạn về phi hành đoàn. Khôi phục tàu bay và phi hành đoàn có thể gây ra các gián đoạn về hành khách. Các quyết định khôi phục về hành khách:
- Chuyển khách đi chuyến bay khác của cùng hãng hàng không: Ít tốn kém hơn là chuyển đi chuyến bay hãng khác, ưu tiên khách doanh nhân và hành khách quan trọng
- Chuyển khách đi chuyến bay khác của hãng hàng không khác: ưu tiên những hành khách đặc biệt
- Delay hành khách: giải pháp mặc định nếu không có phương án nào
* Phát biểu bài toán
Bài toán tổng quát tại AOCC là chuyến bay khởi hành trễ (Fdd) và chuyến bay đến trễ (Fad)
Nói một cách dễ hiểu và không cần xem xét nhiều chi tiết, khi đối mặt với chuyến bay bị trễ chúng ta muốn loại bỏ hoặc giảm thiểu tình trạng chậm trễ chuyến bay và các chi phí liên quan, tức là,
và để làm làm điều đó cần xem xét các yêu cầu sau:
- Ba phần của bài toán, tức là máy bay, phi hành đoàn và hành khách nên được xem xét ở cùng mức độ quan trọng. Chúng ta tìm kiếm giải pháp tích hợp tốt nhất.
- Xem xét các tham chiếu và mục tiêu cục bộ của từng nhóm trong AOCC.
Ví dụ: Nhóm Hành khách chia sẻ một số mục tiêu với các nhóm khác (giảm thiểu việc chậm chuyến bay là một), nhưng đồng thời, nhóm này muốn giảm thời gian chuyến đi của hành khách và chi phí liên quan đến phần hành khách của bài toán.
Tại thời điểm này, chúng ta có thể nói rằng mục tiêu của mỗi nhóm trong AOCC là như sau:
- Giải pháp phải được tìm thấy trong thời gian thực.
- Chúng ta nên xem xét tính năng động của thông tin hiện có, tức là thông tin có thể thay đổi bất ngờ.
- Thông tin có sẵn có thể không đầy đủ.
- Thời gian có sẵn để có được một giải pháp có thể là một hạn chế.
2. Thực trạng hoạt động khôi phục gián đoạn tại AOCC
Thực hành ra quyết định khôi phục tại AOCC hiện tại bao gồm một quá trình phối hợp giữa nhiều người, mỗi người trong số họ đóng một vai trò thiết yếu trong quản trị gián đoạn. Với sự phức tạp ngày càng tăng và nhiều hoạt động phụ thuộc lẫn nhau giữa các hãng hàng không, các sân bay và trung tâm ATC, việc phục hồi của hãng hàng không đối với sự gián đoạn trở thành một nhiệm vụ đầy thách thức. Để quản trị gián đoạn một cách vững chắc, yêu cầu cần có các hình thức phối hợp nâng cao và tự động hóa giữa những người vận hành tại AOCC.
Việc ra quyết định khôi phục các gián đoạn hàng không tại AOCC chủ yếu theo phương pháp nghiệm suy, dựa theo kỹ năng và kinh nghiệm từ các chuyên gia chuyên phục hồi một bài toán cụ thể của gián đoạn như tàu bay, phi hành đoàn hoặc hành khách…
Mỗi chuyên gia phụ trách một bài toán khôi phục và nhắm đến giải quyết để đạt mục tiêu mà mâu thuẫn với mục tiêu của các bài toán khác.
Phần lớn của công việc hiện tại của AOCC thường theo cách tiếp cận tuần tự khi giải quyết một sự gián đoạn. Hình 2.1 cho thấy trong cách tiếp cận tuần tự, khía cạnh máy bay của vấn đề được giải quyết trước tiên, sau đó, sử dụng giải pháp từng phần của máy bay làm đầu vào, khía cạnh PHĐ sau đó được giải quyết.
Sử dụng cách tiếp cận tuần tự này, thứ tự là quan trọng nên áp đặt cho từng khía cạnh của bài toán, nghĩa là khía cạnh máy bay quan trọng hơn phi hành đoàn và cả hai đều quan trọng hơn khía cạnh hành khách. Để có được giải pháp tích hợp tốt hơn, mỗi chiều phải có cơ hội ở cùng mức độ quan trọng. Để các cơ hội được ở cùng mức độ quan trọng, tác nhân đại diện cho một khía cạnh bài toán có thể tạo các giải pháp ứng cử viên đầy đủ (nghĩa là các giải pháp bao gồm ba khía cạnh của vấn đề), từ quan điểm cục bộ của họ và xem xét tham chiếu và lợi ích của nó. Nó phải là giải pháp tốt nhất để đạt mục tiêu toàn cục của AOCC.
Các nghiên cứu và quan sát cho thấy rằng một thuật toán giải quyết vấn đề đơn lẻ là không thể dùng để giải quyết một cách linh hoạt và đáp ứng trong giới hạn thời gian cần thiết, tất cả các khía cạnh bài toán khôi phục hoạt động khai thác hàng không. Các nghiên cứu cũng thường chấp nhận rằng, giải pháp tốt nhất cho sự gián đoạn trong AOCC, là giải pháp không làm chậm chuyến bay và có chi phí khai thác trực tiếp tối thiểu. Thật không may, vì một số lý do (xem (Kohl & Karisch, 2004) rất hiếm khi có các giải pháp ứng viên không làm chậm chuyến bay và/hoặc không làm tăng chi phí khai thác trực tiếp. Hầu hết các trường hợp, nhóm chuyên gia phải lựa chọn giữa các giải pháp ứng viên làm trì hoãn chuyến bay và tăng chi phí khai thác trực tiếp. Một cách hợp lý, dựa trên kinh nghiệm họ chọn một giá trị giảm thiểu hai giá trị này. Việc ra quyết định tối ưu cần xem xét hồ sơ của hành khách trên chuyến bay cụ thể và không chỉ dựa trên thời gian trễ và/hoặc chi phí khai thác mà chi phí chất lượng- chi phí do gián đoạn dưới quan điểm của hành khách phải được định lượng dưới một hàm các chi phí đáng tin cậy hơn.
Có thể coi AOCC là một thực thể tự chủ và tự động sử dụng thông tin từ nhiều nguồn, giám sát thông tin đó, giải quyết các vấn đề và đưa ra quyết định theo các mục tiêu cục bộ và toàn cục. Thực thể này cập nhật kế hoạch hoạt động theo các giải pháp được tìm thấy và các quyết định được đưa ra và học hỏi từ quá khứ để tránh các vấn đề tương tự trong tương lai. Mặc dù thực hiện nó không hề đơn giản nhưng có thể cải thiện đáng kể tổ chức, cách tiếp cận và các công cụ hiện tại trong AOCC. AOCC là một tổ chức có các mục tiêu cục bộ (ví dụ: giảm thiểu chi phí cho máy bay, phi hành đoàn và/hoặc hành khách khi giải quyết một sự gián đoạn cụ thể) nhưng cũng có các mục tiêu toàn cục như giảm thiểu sự chậm trễ và chi phí trong một khoảng thời gian nhất định. Mục tiêu là làm cho AOCC hiệu quả hơn, nhanh hơn khi giải quyết các gián đoạn cũng như với các quyết định và hiệu suất toàn cục tốt hơn. Các hãng hàng không nên coi các chuyên gia về con người là người quản lý chứ không phải người kiểm soát. Theo các quan sát trước đó, các tác vụ lặp đi lặp lại hoặc thường xuyên được thực hiện tốt hơn bởi các tác nhân phần mềm và các tác vụ có mức độ không chắc chắn cao được thực hiện tốt hơn bởi con người.
3. Hệ thống đa tác nhân
Khái niệm: Hệ thống đa tác nhân (multi-agent system) là một hệ thống tự động hoạt động bao gồm nhiều tác nhân (agents) tương tác với nhau để đạt được một mục tiêu nhất định và môi trường mà các tác nhân ở trong đó. Mỗi tác nhân trong hệ thống là một người chuyên gia hay máy tính, có thể đóng vai trò là một đại diện độc lập, có thể giao tiếp, thực hiện các hành động và có quyết định dựa trên thông tin mà nó thu thập và nhận được từ các tác nhân khác. Hệ thống đa tác nhân được sử dụng trong nhiều lĩnh vực như trong kinh doanh, robot học, tự động hóa đường phố, điều khiển giao thông, và nhiều lĩnh vực khác.
Theo Rudowsky (2004), các đặc điểm quan trọng của một hệ thống đa tác nhân là:
(1) Thông tin hoặc khả năng giải quyết vấn đề của mỗi tác nhân là không đầy đủ;
(2) Không có hệ thống kiểm soát toàn cục;
(3) Dữ liệu được phân cấp; và
(4) Tính toán không đồng bộ.
Theo Odell (2002): “Thiết kế một hệ thống dựa trên tác nhân không chỉ là thiết kế các tác nhân, mà còn là thiết kế môi trường tác nhân.” Môi trường tác nhân không chỉ bao gồm các tác nhân khác nhau mà còn bao gồm các nguyên tắc và quy trình theo đó các tác nhân tồn tại và giao tiếp. Giao tiếp của tác nhân được mô tả bằng cả ngôn ngữ và phương pháp mà họ trao đổi thông điệp bằng ngôn ngữ đó. Sự cộng tác của tác nhân (đôi khi được gọi là "tương tác") đề cập đến cơ chế mà các tác nhân tự tổ chức để giải quyết vấn đề của toàn bộ hệ thống.
Tương tác có thể có nhiều dạng như phối hợp, hỗ trợ, thương lượng để hoàn thành mục tiêu riêng hoặc để thực hiện mục tiêu chung hoặc thậm chí là cạnh tranh tài nguyên… Do khả năng chủ động và tính xã hội của tác nhân mà tương tác giữa các tác nhân trở nên phức tạp hơn nhiều. tác nhân được cung cấp tri thức, phương pháp và có thể chủ động quyết định thực hiện cái gì, như thế nào. Do vậy, tương tác trong hệ đa tác nhân có một số điểm nổi bật:
- Tương tác đa tác nhân xảy ra một cách tự động, không cần sự kích hoạt từ bên ngoài. Trong khi thực hiện một nhiệm vụ nào đó, nếu cần thiết, tác nhân hoàn toàn có thể tự kích hoạt tương tác với tác nhân khác. Chính điều này tạo ra sự lan tỏa tương tác khiến cho tương tác giữa các tác nhân không chỉ dừng lại ở hai chiều.
- Tương tác trong hệ đa tác nhân mang tính chất xã hội vì đó không chỉ là một bên đưa ra yêu cầu còn bên kia thực hiện mà tác nhân hoàn toàn có khả năng từ chối thực thi yêu cầu của các tác nhân khác. Mặt khác, tương tác đa tác nhân có thể được phân chia theo ngữ cảnh xã hội thành các loại như tương tác kết hợp, phối hợp, cạnh tranh, thương lượng... Với các tương tác phức tạp như cạnh tranh, thương lượng, việc xây dựng chiến lược, mô hình để tác nhân thực hiện tương tác một cách tự động gặp nhiều khó khăn vì cần phải có những mô hình phù hợp và những công cụ mạnh hơn. Hơn nữa, do tác nhân có thể quyết định dựa trên tri thức, có khả năng phát động tương tác nên tương tác trong hệ đa tác nhân là rất khó đoán trước trong thời gian thiết kế. Vì vậy, tính linh động là điều tối cần thiết trong mô hình tương tác đa tác nhân, nghĩa là mô hình tương tác phải cung cấp cho tác nhân khả năng di chuyển và hoạt động từ vị trí này sang vị trí khác, thêm bớt một tác nhân một cách dễ dàng…
Để mô hình bài toán tại Trung tâm kiểm soát khai thác hàng không, có thể tận dụng các đặc điểm sau của MAS:
- Quyền tự chủ: Một MAS mô hình hóa các vấn đề về các thành phần tương tác tự trị, đây là một cách tự nhiên hơn để biểu diễn phân bổ nhiệm vụ, lập kế hoạch nhóm và sở thích của người dùng, trong số những thứ khác. Trong hình 3.1, các tác nhân “khôi phục khách”, ”khôi phục tàu bay” và khôi phục phi hành đoàn” (trong số những tác nhân khác) là các tác nhân có thể chọn phản hồi hoặc không phản hồi các yêu cầu theo mục tiêu riêng của họ.
- Các tác nhân là một phép ẩn dụ tự nhiên: AOCC được mô hình hóa một cách tự nhiên như một xã hội gồm các tác nhân hợp tác với nhau để giải quyết một vấn đề phức tạp như vậy.
- Khả năng phản ứng: Các tác nhân có thể nhận thức và phản ứng với những thay đổi trong môi trường của họ.
- Phân phối tài nguyên: Với MAS, chúng ta có thể phân phối tài nguyên và khả năng tính toán trên một mạng gồm các tác nhân được kết nối với nhau để tránh các vấn đề liên quan đến hệ thống tập trung. Ví dụ, các công ty hàng không thuộc một số quy mô có các cơ sở hoạt động khác nhau. Chúng ta có thể sử dụng MAS cho từng căn cứ khau thác, tận dụng đặc điểm quan trọng này. Do các đặc điểm nhận thức xã hội của một số tác nhân, họ có thể phân phối nhiệm vụ của mình cho các tác nhân khác có hành vi tương tự.
- Tính mô đun và khả năng mở rộng: Một MAS có thể mở rộng, có thể bảo trì, linh hoạt và khuyến khích sử dụng lại. Những đặc điểm này rất quan trọng trong các hệ thống có quy mô và độ phức tạp này.
- Đồng thời/Song song: Các tác nhân có khả năng suy luận và thực hiện các tác vụ song song. Điều này cung cấp tính linh hoạt và tăng tốc độ tính toán. Theo (Stone & Veloso, 2000) “nếu quyền kiểm soát và trách nhiệm được chia sẻ đầy đủ giữa các tác nhân, thì hệ thống có thể chịu đựng được các lỗi do một hoặc nhiều tác nhân gây ra”.
- Hệ thống kế thừa: AOCC cần thông tin tồn tại trong các hệ thống lỗi thời nhưng vẫn hoạt động. Chúng ta có thể bọc các thành phần kế thừa trên một lớp tác nhân, cho phép chúng tương tác với các thành phần phần mềm khác.
Hệ thống đa tác nhân-MAS là một mô hình mạnh mẽ đại diện cho các tổ chức, các thực thể đơn lẻ của họ và môi trường xung quanh. Thực hiện việc xem xét các nghiên cứu, thực hiện các quan sát và kiến thức cá nhân về cơ cấu tổ chức của AOCC, có thể nhận thấy MAS là một đại diện tự nhiên cho loại hình tổ chức này. Ngoài ra, MAS thể hiện đầy đủ các đặc tính sẽ hỗ trợ đề xuất cách tiếp cận phân tán và phi tập trung đối với hệ thống quản lý gián đoạn năng động và tích hợp trong công tác kiểm soát khai thác của hãng hàng không. Năng động do các điều kiện thay đổi trong thời gian chạy, độc lập với trình giải quyết vấn đề và được tích hợp theo nghĩa nhằm tạo ra giải pháp đa góc độ cho vấn đề đang bị đe dọa.
Từ phân tích công việc của AOCC hiện hành, có thể thấy cách tiếp cận phân tán, có thể mở rộng và hợp tác có thể cải thiện đáng kể các vấn đề mà một tổ chức như vậy gặp phải, nghĩa là: từ kiến thức và nghiên cứu về AOCC cũng như nghiên cứu về mô hình MAS, chúng ta cho rằng mô hình này có thể sẽ giúp đề xuất cách tiếp cận phân tán và phi tập trung đối với quản trị gián đoạn tích hợp và năng động trong kiểm soát khai thác hàng không. Cách tiếp cận là phân tán vì nó cho phép phân phối vai trò và môi trường theo chức năng, không gian và vật lý (nghĩa là tài nguyên có sẵn), nó là phi tập trung vì một số quyết định được đưa ra tại các nốt khác nhau trong mạng lưới của các tác nhân, nó là tích hợp vì nó bao gồm các khía cạnh chính của bài toán: máy bay, phi hành đoàn và hành khách, và nó là động bởi vì, trong thời gian thực, một số tác nhân đang thực hiện trong môi trường phản ứng với hằng số thay đổi.
Mô hình MAS cho phép mô hình hóa các hệ thống bao gồm các tác nhân phần mềm, đại diện cho các vai trò hoặc chức năng cũng như môi trường xung quanh, bao gồm các tương tác giữa các tác nhân. Mô hình này đã đảm nhận tầm quan trọng ngày càng tăng không chỉ với tư cách là một mô hình nghiên cứu mà còn là một mô hình thực tiễn để giải quyết các vấn đề trong thế giới thực.
4. Đề xuất cấu trúc hệ thống đa tác nhân
Nhìn vào các vai trò hiện tại trong AOCC (Hình…), chúng ta thấy rằng các nhiệm vụ lặp đi lặp lại. Ví dụ, người kiểm soát về máy bay (một thành viên của đội máy bay) liên tục kiểm tra hệ thống máy tính (bao gồm e-mail, hệ thống dữ liệu, điện văn, v.v.) để xem có vấn đề gì có thể ảnh hưởng đến sự khởi hành hoặc đến của một chuyến bay. Một thói quen tương tự liên quan đến giám sát các thành viên phi hành đoàn được thực hiện bởi người kiểm soát phi hành đoàn (một thành viên của nhóm phi hành đoàn). Các thành viên của đội hành khách đang theo dõi các kết nối của hành khách để xem liệu có nguy cơ lỡ nối chuyến hay không.
Khi một vấn đề được phát hiện, quá trình giải quyết nó cũng rất lặp đi lặp lại. Ví dụ: nếu chuyến bay bị hoãn, kiểm soát viên máy bay tuân theo quy trình chung về giải quyết máy bay. Ngoài ra, các thành viên trong nhóm chọn những hành động này theo xác suất liên quan đến loại sự kiện gây ra sự cố. Cân nhắc những điều trên cũng như đặc điểm của mô hình đa tác nhân, cách tiếp cận đề xuất xây dựng AOCC bằng một hệ thống đa tác nhân, thay thế giám sát, đội máy bay, đội phi hành đoàn, đội hành khách. và một phần của người giám sát, dịch vụ bảo trì và điều phái bay, bởi các tác nhân thông minh như được minh họa trong hình sau
Trong cách tiếp cận mới này, đội kiểm soát máy bay sẽ được thay thế bằng nhóm tác nhân (đại diện là quản lý máy bay). Tương tự với nhóm phi hành đoàn (đại diện là Quản lý phi hành đoàn) và nhóm hành khách (đại diện là Quản lý hành khách). Về các dịch vụ cung cấp cho hành khách, tác nhân phần mềm có nhiệm vụ tìm giải pháp tốt nhất cho các vấn đề với hành khách (thường là kế hoạch các chuyến bay thay thế cho từng hành khách bị gián đoạn). Người giám sát tương tác với các tác nhân phần mềm thông qua một tác nhân giao diện và sẽ không chỉ có thể đưa ra quyết định cuối cùng về giải pháp do MAS đề xuất mà còn cung cấp phản hồi cho giải pháp đó. Bằng cách này, Người giám sát dạy hệ thống cách phản ứng tốt hơn không chỉ trong các vấn đề tương tự có thể xảy ra trong tương lai mà còn trong vấn đề cụ thể đang được giải quyết. Tính năng này được gọi là Human-in-the-Loop. Các dịch vụ bảo trì và điều phối chuyến bay cũng sẽ tương tác với các tác nhân phần mềm thông qua một tác nhân giao diện. Điều này sẽ tạo thuận lợi cho việc nhập dữ liệu liên quan đến các sự kiện máy bay cũng như nhập và xuất dữ liệu tương ứng liên quan đến việc chuẩn bị chuyến bay.
- Giao thức đàm phán hỗn hợp
Giao thức GQN (Generic Q-Negotiation), phù hợp với môi trường hợp tác, cạnh tranh và hỗn hợp. Trong một môi trường hợp tác, các tác nhân không thể đạt được mục tiêu của mình một cách riêng lẻ và những người khác có thể giúp họ đạt được mục tiêu đó một cách dễ dàng hoặc hiệu quả hơn. Trong một môi trường cạnh tranh, các tác nhân có đầy đủ chuyên môn để đạt được mục tiêu cá nhân của họ và muốn tối đa hóa lợi ích của riêng họ, giả định rằng hành vi là ích kỷ. Trong một môi trường hỗn hợp, các tác nhân đảm nhận cả hành vi hợp tác và cạnh tranh. GQN là một giao thức đàm phán đa thuộc tính bao gồm một số vòng có khả năng thương thảo với các khía cạnh phụ thuộc lẫn nhau. Ngoài ra, các tác nhân có thể học hỏi trong quá trình đàm phán, do có chứa thuật toán Q-Learning (Watkins & Dayan, 1992). Thương lượng đa thuộc tính cho phép thảo luận (hoặc thương lượng) các giá trị của nhiều tham số đang được thương lượng. Đàm phán trong một số vòng cho phép các tác nhân sửa đổi các đề xuất của họ trong suốt quá trình, đó là được thực hiện theo cách thích ứng để tìm kiếm phản hồi định tính cho các đề xuất trước đây của họ. Trong GQN, các tác nhân có thể đảm nhận hai vai trò khác nhau: Người tổ chức và Người trả lời. Tác nhân tổ chức chịu trách nhiệm xác định vấn đề là gì, chia nó thành các vấn đề phụ -các khía cạnh của vấn đề - và bắt đầu thương lượng với những người khác để giải quyết các khía cạnh đó. Tác nhân trả lời có chuyên môn (một hoặc nhiều năng lực theo định nghĩa 5.11) về một hoặc nhiều khía cạnh và có thể thương lượng với các tác nhân trả lời khác (nếu cần) để có thể trình bày các giải pháp cho toàn bộ vấn đề với tác nhân tổ chức. Có thể có nhiều hơn một tác nhân trả lời có kiến thức chuyên môn về cùng một khía cạnh của một vấn đề (ví dụ: mặc dù họ có cùng chuyên môn nhưng họ có thể sử dụng một phương pháp/chiến lược giải quyết vấn đề khác).
- Thiết kế hệ thống
- Cơ chế ra quyết định và cơ chế học
Cơ chế ra quyết định đề cập đến các phương pháp hoặc quy trình mà các tác nhân sử dụng để chọn một hành động dựa trên mục tiêu và môi trường của họ. Các cơ chế tạo ra có thể được phân thành hai loại chính: tập trung và phi tập trung. Việc ra quyết định tập trung liên quan đến một tác nhân duy nhất đưa ra quyết định thay mặt cho toàn bộ MAS, trong khi việc ra quyết định phi tập trung liên quan đến nhiều tác nhân đưa ra quyết định một cách độc lập.
Cơ chế học đề cập đến khả năng của các tác nhân để điều chỉnh hành vi của họ dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ. Học tăng cường liên quan đến việc các tác nhân học từ phần thưởng hoặc hình phạt nhận được dựa trên hành động của họ.
Việc sử dụng các cơ chế học tập trong MAS có thể cải thiện hiệu suất tổng thể của các tác nhân và tăng khả năng thích ứng với môi trường thay đổi. Việc học cũng có thể được sử dụng để cải thiện cơ chế ra quyết định của các tác nhân bằng cách điều chỉnh các quy tắc ra quyết định của họ dựa trên kinh nghiệm trong quá khứ.
Sự kết hợp giữa cơ chế ra quyết định phù hợp và cơ chế học tập có thể dẫn đến chất lượng quyết định được cải thiện, giải quyết vấn đề nhanh hơn và tăng hiệu quả trong MAS.
- Các tác nhân chuyên gia
Tận dụng về tính mô đun, khả năng mở rộng và các đặc tính phân tán của mô hình MAS có thể thêm bao nhiêu tác nhân chuyên gia theo yêu cầu, để tất cả các loại bài toán đều được đáp ứng. Tận dụng lợi thế của sự đồng thời và các đặc tính song song của MAS góp phần vào khả năng chịu lỗi hệ thống, đồng thời, tăng tốc độ tính toán. Các tác nhân chuyên gia bao gồm chuyên giá về máy bay, phi hành đoàn và hành khách.
Tác nhân chuyên gia máy bay: biết một chuyến bay bị gián đoạn, tác nhân chuyên gia máy bay nên tìm giải pháp đảm bảo phân công máy bay cho chuyến bay bị gián đoạn, giảm thiểu sự chậm trễ của chuyến bay và chi phí chuyến bay (Phương trình (6.3)). Một giải pháp sẽ là một tập hợp các cặp (máy bay, chuyến bay). Các hành động cho tác nhân chuyên gia máy bay trong việc tìm kiếm giải pháp là những hành động như delay, hoán đổi tàu bay, hủy chuyến, thuê ướt tàu bay.
Tác nhân chuyên giá phi hành đoàn: Với một thành viên phi hành đoàn bị gián đoạn tác nhân chuyên gia phi hành đoàn nên tìm giải pháp đảm bảo thực hiện chuyến bay với số lượng thành viên phi hành đoàn theo lịch trình hoặc trong trường hợp xấu nhất, với số lượng thành viên phi hành đoàn tối thiểu được phép trên máy bay, giảm thiểu chuyến bay chậm trễ và chi phí phi hành đoàn, giải pháp thực hiện sẽ là một tập hợp các cặp (phi hành đoàn, hoạt động). Các hành động cho chuyên gia phi hành đoàn để tìm kiếm giải pháp là gọi PHĐ dự bị, standby, đang đi nghỉ, chưa được phân công, deadheading PHĐ, sử dụng PHĐ bị delay, hoán đổi PHĐ, không cần PHĐ bị gián đoạn.
Tác nhân chuyên gia hành khách: Với một chuyến bay bị gián đoạn, tác nhân chuyên gia hành khách cần tìm chuỗi chuyến bay (hành trình) tốt nhất cho từng hành khách bị gián đoạn, sao cho tối thiểu hóa thời gian chuyến đi của hành khách và chi phí của hành khách. Một giải pháp cho tất cả các hành khách bị gián đoạn sẽ là một tập hợp chuỗi các chuyến bay từ sân bay bị gián đoạn đến điểm đến sân bay cuối cùng của mỗi hành khách bị gián đoạn. Các hành động của tác nhân chuyên gia hành khách bao gồm: chuyển khách đi trên chuyến bay khách cùng hãng hàng không, chuyên sang hãng hàng koh6ng khác, giữ khách trên chuyến bay bị gián đoạn
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Danh mục tài liệu tiếng Anh
1. Abdelgahny, A., Ekollu, G., Narisimhan, R., and Abdelgahny, K. 2004. A Proactive
Crew Recovery Decision Support Tool for Commercial Airlines during Irregular
Operations. Annals of Operations Research 127:309-331.
2. Barnhart, C., Belobaba, P., and Odoni, A. 2003. Applications of Operations Research
in the Air Transport Industry. Transportation Science 37:368-391.
3. Bellifemine, F., Caire, G., Trucco, T., and Rimassa, G. 2004. JADE Programmer’s
Guide. JADE 3.3 TILab S.p.A.
4. Bratu, S., and Barnhart, C. 2006. Flight Operations Recovery: New Approaches
Considering Passenger Recovery. Journal of Scheduling 9(3):279-298.
5. Castro, A. and Oliveira, E. (2008) ‘The rationale behind the development of an airline
operations control centre using Gaia-based methodology’, Int. J. Agent-Oriented
Software Engineering, Vol. 2, No. 3, pp.350–377.
6. Castro, A.J.M., and Oliveira, E. 2007. Using Specialized Agents in a Distributed MAS
to Solve Airline Operations Problems: a Case Study. Proceedings of IAT 2007
(Intelligent Agent Technology Conference), pp. 473-476, Silicon Valley, California,
USA 2-5 November 2007, IEEE Computer Society, ISBN: 0-7695-3027-3.
7. Clausen, J., Larsen, A., and Larsen, J. 2005. Disruption Management in the Airline
Industry – Concepts, Models and Methods. Technical Report, 2005-01, Informatics
and Mathematical Modeling, Technical University of Denmark, DTU.
8. Kohl, N., Larsen, A., Larsen, J., Ross, A., and Tiourline, S. 2004. Airline Disruption
Management – Perspectives, Experiences and Outlook. Technical Report, CRTR-0407,
Carmen Research.
9. James J. Odell 2002. Agents and the UML: A Unified Notation for Agents and Multi-agent Systems?. Agent-Oriented Software Engineering II pp 148–150
10. Kohl, N., and Karish, S. 2004. Airline Crew Rostering: Problem Types, Modeling and
Optimization, Annals of Operations Research 127: 223-257.
11. Løve, M., Sørensen, K.R., Larsen, J., Clausen, J.: Using Heuristics to Solve the Dedicated
Aircraft Recovery Problem. Central European Journal of Operations Research 13(2), 189–
207 (2005)
12. Rosenberger, J., Johnson, E., and Nemhauser, G. 2001. Rerouting aircraft for airline
recovery. Technical Report, TLI-LEC 01-04, Georgia Institute of Technology.
13. Rosenberger, J., Schaefer, A., Goldsmans, D., Johnson, E., Kleywegt, A., and
Nemhauser, G. 2002. A Stochastic Model of Airline Operations, Transportation
Science 36(4):357-377.
14. Rudowsky 2004. Intelligent Agents INTELLIGENT AGENTS 2004. Communications of the Association for Information Systems (Volume14, 2004)275-290
15. Stone, P., Veloso, M.: Multiagent Systems: A Survey from a Machine Learning Perspective.
Autonomous Robots 8(3), 345–383 (2000)
16. Talluri, K.T.: Swapping Applications in a Daily Airline Fleet Assignment. Transportation
Science 30(3), 237–248 (1996)
17. TAP. TAP Portugal Relat´orio Anual 2010 (July 2011)
18. Teodorovic, D., Guberinic, S.: Optimal dispatching strategy on an airline network after a
schedule perturbation. European Journal of Operational Research 15(2), 178–182 (1984)
19. Teodorovic, D., Stojkovic, G.: Model for operational daily airline scheduling. Transportation
Planning and Technology 14(4), 273–285 (1990)
20. Teodorovic, D., Stojkovic, G.: Model to Reduce Airline Schedule Disturbances. Journal of
Transportation Engineering 121(4), 324–331 (1995)
21. Thengvall, B.G., Yu, G., Bard, J.F.: Multiple fleet aircraft schedule recovery following hub
closures. Transportation Research Part A: Policy and Practice 35(4), 289–308 (2001)
22. Thengvall, B.G., Bard, J.F., Yu, G.: A Bundle Algorithm Approach for the Aircraft Schedule
Recovery Problem During Hub Closures. Transportation Science 37(4), 392–407 (2003)
23. Thengvalla, B.G., Barda, J.F., Yu, G.: Balancing user preferences for aircraft schedule recovery
during irregular operations. IIE Transactions 32(3), 181–193 (2000)
24. Wooldridge, M., 2002. When is an Agent-Based Solution Appropriate? Introduction to
Multiagent Systems, West Sussex, England: John Wiley & Sons, Ltd., pp. 225-226.
25. Yan, S., Tu, Y.P.:Multifleet routing and multistop flight scheduling for schedule perturbation.
European Journal of Operational Research 103(1), 155–169 (1997)
26. Yang, M.: Using Advanced Tabu Search Techniques to Solve Airline DisruptionManagement
Problems. PhD Thesis, The University of Texas at Austin (December 2007)
27. Yu, G., Qi, X.: Disruption Management: Framework, Models and Applications. World Scientific Publishing Co. Pte. Ltd. (2004)
28. Yu, G., Arguello, M., Song, G., McCowan, S.M., White, A.: A New Era for Crew Recovery
at Continental Airlines. Interfaces 33(1), 5–22 (2003)
29. Zambonelli, F., Jennings, N.R., Wooldridge, M.: Developing multiagent systems: The Gaia
methodology. ACM Transactions on Software Engineering and Methodology 12(3), 317–
370 (2003)